Phật giáo dạy chúng ta cách vượt qua những vấn nạn và khó khăn trong đời ta bằng cách hiểu rõ và ngăn phòng những nguyên-nhân của chúng. Trong khi phần lớn người đời thường hướng ngoại, nhìn ra ngoài cuộc đời để tìm nguyên nhân và giải pháp cho vấn nạn khó khăn của đời mình, thì đạo Phật lại khuyên dạy chúng ta hãy hướng-nội, quay lại nhìn vào bên-trong mình. (Đây là một sự khác biệt của triết lý Phật giáo so với những tư tưởng tâm linh khác).
Đức Phật đã giảng giải cho chúng ta thấy rằng những cảm giác khó chịu (khổ, không hạnh phúc) khởi sinh ra từ những trạng thái tâm không lành mạnh, không trong sạch. Bởi vì không trong sạch thì tạo ra cảm-giác bất hạnh, khổ, khó chịu và bất toại nguyện [khổ thọ]. Những trạng thái tâm không trong sạch như là: tham, sân, si, dính chấp...còn đầy thì làm sao có được cảm giác hạnh phúc [lạc thọ] như: hài-lòng với hiện tại, vui-vẻ không giận hờn, khôn-ngoan không ngu muội, hay buông-xả không cố chấp.
Đạo Phật hướng dẫn mọi người tu sửa thân-tâm để từ từ tăng trưởng lòng rộng lượng (không tham, không tranh giành), lòng từ bi (không sân hận, không thù ghét), trí tuệ (không ngu mụi, không si mê), và những trạng thái tích cực khác của tâm.
Sự Bình An bên trong là nguồn gốc chân thực của Hạnh Phúc
Phật giáo cho rằng “nguồn” của niềm hạnh phúc chân-thực chính là bình an bên-trong tâm của mỗi người. Lý ở đây kiểu như những ly nước sạch có được từ một “nguồn” nước sạch vậy.
Nếu tâm của chúng ta bình-an, chúng ta luôn cảm thấy hạnh-phúc và...thấy lòng nhẹ “như mây trời”, cho dù cuộc sống, điều kiện, cảnh trần bên ngoài có khó khăn, nghiệt ngã hay bi đát đến dường nào. Cuộc sống, điều kiện và cảnh trần bên-ngoài tiêu cực chỉ có thể làm cho ta hạnh phúc thêm khi tâm bên-trong của chúng ta đang bình an và hạnh phúc.
Chúng ta có thể hiểu được điều này thông qua những kinh nghiệm của bản thân mình. Ví dụ rằng chúng ta đang sống trong môi trường và phong cảnh đẹp như mơ, đầy đủ mọi điều kiện vật chất để hưởng thụ, nhưng lúc chúng ta nỗi giận, thù ghét hay buồn chán thăm thẳm, thì chúng ta cũng đâu có niềm hạnh phúc nào đích thực đâu. Bởi vì sao? Bởi vì sự giận dữ, sự buồn chán đã phá hủy cái “sự bình an bên-trong” của tâm bạn rồi. Có ai đang tham dục, đang giận dữ thù ghét, đang buồn rầu triền miên, đang ngu muội tăm tối trong rượu bia... mà gọi là đang có niềm bình-an và hạnh phúc trong nội-tâm của mình đâu.
Những trạng thái của tâm, Đều có tâm dẫn trước,
Do tâm làm chủ đạo, Và do tâm tạo tác.
Nếu ai nói hay làm, Với cái tâm thanh tịnh, Hạnh phúc sẽ theo sau,
Như bóng không rời hình.
(Kinh Pháp Cú – Kệ 2)
Nếu chúng ta muốn có niềm hạnh phúc chân- thực và bền-lâu, chúng ta cần phải tu dưỡng sự bình-an bên-trong. Mà cách duy nhất chúng ta làm được điều này là phải tu tập tâm bằng những bước dần dần giảm bớt những trạng thái tâm tiêu cực, bất tịnh, xấu ác, lăng xăng; và thay thế chúng bằng những trạng thái tâm tích cực, thanh tịnh, tốt thiện và bình an.
Thiền tập – phương cách kiểm soát và tu tập tâm
Đạo Phật chủ trương việc thiền tập sẽ mang lại sự bình-an bên-trong. Thiền tập là luyện tập tâm quen dần với những suy nghĩ (tư duy) và cảm giác (cảm thọ) hướng về sự bình an và hạnh phúc. Khi tâm bình an, chúng ta không lo lắng, không khó chịu, không lăng xăng bất an. Bất-an là một trong những thói-tâm nặng (gông-cùm) cản trở việc tu hành và hạnh phúc.
Có rất nhiều “chủ đề” của ý nghĩa và cảm giác mà người tu tập có thể dùng làm đối-tượng để thiền tập. Cũng có những chủ đề về tình yêu thương (tâm Từ), hoặc những chủ đề khác hữu ích giúp ngừoi tu thiền tập để vượt qua những trạng thái tâm tiêu cực như tính tự cao, tự đại, khinh khi, thiên vị.
Một chủ đề đơn giản nhất, nhưng là không thể thiếu được cho tất cả những người mới tập thiền và cả những những thiền sư, đó là “Hơi-Thở”. Thiền về Hơi-Thở ra-vào là phương pháo thiền của chính Đức Phật. (i) Thiền về hơi thở giúp tâm hội tụ, tập trung, và tĩnh lặng (định). Đó là sự bình-an bên trong. (ii) Thiền về hơi thở giúp tâm đạt đến những trạng thái chánh định thâm sâu (như tầng thiền định), đó là trạng thái tâm tĩnh lặng, bình an và siêu hạnh phúc. (iii) Trong quá trình thiền tập các loại thiền cao sâu khác, khi tâm người tu bị mất tập trung tĩnh lặng (thất định), hoặc mất sự tỉnh giác thường trực (thất niệm), thì Phật dạy quay trở lại đối tượng “Hơi-Thở”, thiền về hơi thở để lấy lại sự an định và sự tỉnh giác của tâm, rồi mới tiếp tục những bước thiền kia.
Đối với các Phật tử tại gia, thiền về hơi thở thực sự là không thể thiếu được để tạo sự bình an và hạn phúc bên-trong của tâm.
Mang lại sự bình an và hạnh phúc trong thế gian đầy bất trắc và bất an – Đó là mục tiêu tối thượng của Phật giáo.
Một số người lại ngộ nhận rằng Đạo Phật có vẻ ‘ích kỷ’, vì nó chỉ có mục đích tìm cầu sự bình an bên trong của mỗi người, bỏ mặc cuộc đời và xã hội đầy sóng gió và phiền não. Điều này là không đúng. Khi xã hội bên ngoài đầy xô bồ và phiền não mà có thêm mọi người xô bồ và phiền não thì xã hội càng xô bồ và đầy bất an. Vì vậy, nếu mỗi cá nhân biết cách quay lại tìm thấy sự bình-an bên- trong, sự tĩnh lặng nội-tâm, và chỉ cho người khác cùng làm theo, thì xã hội sẽ có thêm nhiều thành viên với tâm bìn-an và hạnh phúc. Xã hội lúc đó sẽ tốt hơn. Mọi người là những tế bào của xã hội.
Không có xã hội nào đang bất an được cải thiện bởi những người bất an, bất bình và đầy phiền não, tham, sân, si trong tâm. Hãy lấy ví dụ những nước theo Phật giáo như Tích Lan, Thái Lan, Lào...Đời sống xã hội ở đó còn rất nghèo, nhưng phần đông dân số theo đạo Phật, họ thường xuyên giữ giới hạnh đạo đức và tu tâm, cho nên nhìn ai cũng thấy nết mặt bình an, hiền hòa và tươi vui. Những xã hội ở đó dù nghèo nhưng nhìn chung rất bình-an, nhẹ nhàng. Du khách thường khen rằng: họ rất hiền.
Người theo đạo Phật hiểu rằng nếu không có sự bình-an bên-trong thì không thể nào có sự bình an ở bên ngoài. Chúng ta đều ‘cầu nguyện’ cho thế giới hòa bình, nhưng thế giới chưa bao giờ có hòa bình thực smọi người đều có được sự bình-an bên trong. Chừng nào còn những người tâm bất-an, tâm không trong sạch, bất thiện, tâm tham sân si, hung ác, độc tài...thì vẫn còn bất ổn và chiến tranh. Điều này thì rõ ràng là sự thật. Mặc dù sự thật đó nghe hơi bi quan.
Tuy nhiên, thái độ của Phật giáo và những người theo Phật là lạc quan. Họ tin nếu càng ngày càng có thêm nhiều người có tâm bình an, hòa bình, lương thiện, hiền từ, công bằng... và họ cũng nằm trong số đông những người lãnh đạo, thì số đông đó có thể giúp định hướng và tạo ra thế giới hòa bình hơn.
Hoàng đế Asoka (A-dục) đã từng đánh giết và gom nhiều nước tành một đế chế. Nhưng đến một ngày ông hiểu được ý nghĩa này của Phật, ông đã không còn bất an để đi chém giết, trừng phạt nữa. Đổi lại, ông tuyên bố sự bất bạo động. Điều đó ngay lập tức tạo được sự bình an bên trong tâm của hành triệu người ở khắp các nước khác. Và khi có được sự bình an, họ cũng không còn chiến đấu với Asoka nữa. Họ hài lòng làm những nước láng giềng hòa bình trong đế chế của Asoka. Từ đó, không còn chiến tranh trong suốt triều đại Asoka ở Ấn Độ. Sau đó, nhà vua (và các con) là một Phật tử kính đạo xuất sắc nhất, họ đã đóng góp những công đức lớn lao nhất thế gian cho sự duy trì Phật giáo từ thời đó.
Dưới đây là bài tham luận "Những người theo Đạo phật thực sự biết được bí mật của sự Hạnh Phúc";của tác giả Mark Henderson, phóng viên khoa học của tuần báo “Times” nổi tiếng ở Mỹ).
“NHỮNG NGƯỜI THEO ĐẠO PHẬT thường nói rằng họ biết được bí quyết của hạnh-phúc, điều họ nói là đúng và đó có thể được chứng minh bằng khoa học: Việc quét hình (scan) não của những Phật tử kính đạo cho thấy rằng có những chức năng hoạt động đặc biệt trong những thùy não của họ luôn tạo ra yếu tố tĩnh- lặng, vui-vẻ và hạnh-phúc. Nghiên cứu tại Mỹ cho thấy “trung khu hạnh phúc” của não bộ luôn luôn sống động với những xung điện đối với những Phật tử tu tập kinh nghiệm. Điều này giải thích được những cách cư xử ôn hòa dễ mến và thái độ hài lòng thư thái của những người theo đạo Phật.
Các nhà thần kinh học cho rằng việc tu tập tâm linh có thể làm thay đổi cách mà não bộ thường hay phản ứng với những bức xúc và kích thích của môi trường bên ngoài.
Nhóm nghiên cứu thuộc Đại Học “University of Wisconsin-Madison”, Hoa Kỳ, đã quét hình (scan) não của những người tu tập theo đạo Phật đã vài năm, họ chú tâm vào những vùng não có chức năng thể hiện tình cảm, thái độ và tính khí của người. Họ thấy rõ rằng phần bán cầu não trái—“trung khu hạnh phúc” của não bộ—luôn luôn hoạt động rất sống động.
#8;#8;“Bây giờ, chúng ta có thể giả thuyết với sự tin chắc rằng đó là những người Phật tử thực sự hạnh phúc và bình lặng, luôn luôn cảm thấy thực sự hạnh phúc”, Giáo sư Owen Flanagan thuộc Đại Học Duke University, bang North Carolina, Hoa Kỳ, đã viết như vậy trên Tờ “New Scientist” (Nhà Khoa Học Mới).
Những tác động tích-cực luôn luôn được thấy rõ trong suốt quá trình nghiên cứu, không phải chỉ riêng lúc thiền tập, cho thấy rằng lối sống của người theo đạo Phật đã dần ảnh hưởng đường lối làm việc của não bộ. Điều này cũng không quá khó hiểu, ngay cả đối với những người không có bằng chứng khoa học.
Những nghiên cứu khác thì cho thấy rằng những thùy não chức năng chỉ sự sợ-hãi và bất-an thì hoạt động rất thấp trong não của những người sống theo đạo Phật. Những bằng chứng nghiên cứu này cuối cùng cho phép những nhà nghiên cứu phát triển những kỹ thuật thiền dùng làm phương pháp trị liệu cho những bệnh mang tính trầm uất, bất an và phiền não.
Tiến sĩ Steve James, người sáng lập của Trung Tâm Phật giáo (London Buddhist Centre), cho rằng những bằng chứng nghiên cứu đã đưa ra được bằng chứng về những cách thức và hướng dẫn mà Đức Phật và đạo Phật có thể mang lại sự bình an nội tại và cải thiện hạnh phúc của con người.
Đức Phật:
Hạnh phúc thay (chúng) ta sống
Không thù ghét hận thù
Giữa những người thù hận.
Ta sống không hận thù
Giữa những người thù hận.
(Kinh Pháp Cú – Kệ 197)
Nguồn: Vấn Đáp Phật Giáo - Lê Kim Kha (biên soạn)