0

ĐỪNG ĐỂ BẢN NGÃ ĐÁNH LỪA KHIẾN TA KHÔNG THẤY ĐƯỢC CÁI SAI CỦA MÌNH 

Thông thường người khác vừa “nhúc nhích” một chút, chưa nói lời nào là ta thấy họ có lỗi, tâm ta dễ nghĩ bậy, nghĩ xấu cho người. Bí quyết tu là ở chỗ: Ta thường nhìn lại tâm mình chứ không để tâm lang thang, rong ruổi theo trần cảnh. Nhìn xem tâm ta đang nghĩ gì, đang tính chuyện gì, đang động hay đang tịnh, ý nghĩ này có hợp với đạo lý hay chăng...? Nhưng cái khó là khi nhìn vào tâm mình ta lại thấy toàn cái tốt, thấy mình hay chỗ này, giỏi chỗ nọ, dễ thương ở chỗ kia... thường tự khen lấy mình mà rất khó thấy cái sai, cái dở của mình, nhất là những lỗi lầm vi tế. 

Đừng Để Bản Ngã Đánh Lừa Khiến Ta Không Thấy Được Cái Sai Của Mình

Có người một tháng ăn chay được mười ngày, tụng hết mấy bộ kinh dài là thấy mãn nguyện và tự nghĩ cái phước của mình đã vượt hơn hẳn mọi người. Đó là tâm tự mãn, nhưng người này không nhìn thấy. 

Có người rất muốn giúp đỡ người khác nên đã ước làm vua để cai trị rồi ban ơn cho tất cả, và tự thấy mình thật là tốt bụng, dễ thương! Đây đâu phải thiện tâm mà là tham vọng. Ý muốn giúp người đã bị bản ngã đánh lừa lẫn với tham vọng quyền lực. Nhưng cái “chết” là người này không nhìn ra, lại còn nghĩ mình như thế là tốt. 

Một ý niệm khởi lên ta tưởng là tốt, nhưng đằng sau là cả một khối bản ngã, bao nhiêu tập khí, kiết sử như phần chìm khổng lồ của tảng băng trôi vẫn nằm nguyên chưa hề “sứt mẻ". Mà tu là phải gỡ cho được chỗ này, đừng để bản ngã đánh lừa khiến mình cứ tự khen mình mãi, phải dùng ý căn mà nhìn tâm mình thường xuyên hơn, không để năm giác quan lôi tâm mình chạy theo ngoại cảnh nữa. Thấy được phía sau cái tưởng là tốt đó mới là người biết tu.

Trích sách: “Nói với chính mình” – TT. TS. Thích Chân Quang.

Đăng nhận xét

 
Top